Giọng nói khiến mình tự ti, sống thu mình, không có bạn bè và đặc biệt là không có cơ hội để phát triển bản thân.
Giọng nói của mình như thế nào?
Mình là người gốc Hà Tĩnh, sống tại Nghệ An. Nhắc đến giọng nói của Nghệ Tĩnh có phải mọi người sẽ nghĩ mình nói kiểu “chi, mô, răng, rứa” đúng không? Nhưng không hề! Mình nói một giọng hoàn toàn khác, thay vì “chi, mô, răng, rứa” thì mình sẽ nói “gì, đâu, sao, vậy”. Ở quê, giọng của mình không phải đặc biệt mà là khác biệt.
(Hình minh họa)
Từ nhỏ, mình đã sống gần nhà ngoại. Nhà ngoại mình là người Nghệ An nhưng lại không nói tiếng đặc trưng của người Nghệ. Giọng điệu của nhà ngoại mình giống người Bắc, nhưng dĩ nhiên có pha lẫn đôi chút giọng Nghệ An. Tuy nhiên, ở Nghệ An, giữa cả “biển” người nói tiếng xứ Nghệ thì mình và nhà ngoại mình thật sự “lạc loài” khi nói riêng một thứ giọng không giống ai.
Ở quê mình sống, chỉ có xóm của mình là nói giọng khác với mọi người. Mỗi khi giao tiếp với những người nói giọng xứ Nghệ đặc sệt thì cả xóm mình đều bị “nhại” lại. Không biết mọi người cảm thấy thế nào, riêng mình, mình cảm thấy vô cùng khó chịu.
Giọng nói và những ảnh hưởng cực kỳ nặng nề đến cuộc sống của mình
1/ Trong giao tiếp
Mình không phải là người ít nói hay hiền lành, khẳng định là như vậy. Bởi lúc ở nhà mình “hô mưa gọi gió” trông rất ghê gớm. Nhưng bước ra khỏi phạm vi xóm làng, mình lập tức thu mình lại như một chú ốc sên. Mình không dám nói, bởi mình sợ người ta biết giọng mình khác với mọi người. Mình khó chịu nếu họ “nhại” lại và cười ha hả vì giọng nói của mình.
(Hình minh họa)
Lúc đi học, bắt đầu từ cấp 2 là mình đã nhận thấy rõ giọng mình khác với giọng đặc trưng xứ Nghệ. Cũng từ đó mình bắt đầu sống thu mình lại, luôn cố gắng hết mức có thể để mọi người không nghe được giọng của mình. Bạn bè ít, các mối quan hệ khác không có cũng chỉ vì giọng nói của mình mà ra.
Rời cấp 3, rời quê hương để vào Tp. HCM học tập, mình như “chim sổ lồng” đúng nghĩa khi mình không phải lo lắng về giọng nói của mình nữa. Bởi ở Tp. HCM, giọng của mình là bình thường, sẽ không còn bị nhại, bị trêu chọc hay bị cười ha hả như trước đây. Nhưng ám ảnh về sự khác biệt của giọng nói vẫn còn, mình đã không giữ liên lạc với bất cứ ai trong số các bạn bè hiếm hoi hồi còn học ở quê.
Mình không liên lạc với họ nhưng sau này mình cưới, mình đã liên lạc lại để mời cưới họ. Đó là một trong những điều mình cực kỳ ân hận trong đám cưới. Lúc đó mình chỉ nghĩ đơn giản rằng, cưới mà không mời bạn bè thì bất lịch sự. Nhưng sự đáp trả của họ đã khiến mình nhận ra một điều, cưới chỉ nên mời những người thân thích mà thôi. Bạn bè cũ của mình nói rằng “Cả đời không liên lạc, nay cưới lại mời…”. Có lẽ họ nghĩ mình “có mới nới cũ”, không trân trọng bạn bè, xa mặt cách lòng… nhưng sự thật thì chỉ có 1 lý do duy nhất mà thôi. Giọng nói khiến mình tự ti và mình không muốn liên lạc với bất cứ ai cả.
2/ Trong học tập
Mình là một người học khá. Hồi cấp 3, mình thuộc top những người nổi bật nhất lớp về thành tích học tập. Tuy nhiên, năng lực của mình chỉ được thầy cô biết đến qua những bài kiểm tra. Còn trong giờ học, mình là một học sinh cá biệt.
Mình không nói, không hỏi, chỉ ngồi im để nghe thầy cô giảng. Mỗi lúc thầy cô gọi đứng dậy trả lời hoặc lên hỏi bài cũ, mình lí nhí trong họng đến nỗi thầy cô phải sát tai lại gần miệng mình thì mới nghe được. Hoặc có lúc mình không nói, không trả lời bất cứ câu hỏi gì. Đối với thầy cô, bạn bè, mình lì và cá biệt. Nhưng chỉ có mình mình biết, rằng tất cả là tại giọng nói khác biệt của mình.
(Hình minh họa)
Lên đại học, những tưởng mình sẽ được sống là chính mình, thoải mái nói những gì mình muốn. Trái ngang thay, cô bạn học chung lớp 12 của mình tiếp tục học chung lớp đại học với mình. Rồi xong! Lịch sử được tái diễn. Chỉ vì cô bạn đó thôi, mình lại tiếp tục quay trở về thời cấp 3, sống thu mình, không dám hé răng nửa lời nếu ở khoảng cách gần với cô bạn của mình. 4 năm học đại học của mình tiếp tục như trước, mình ít bạn và học tập, hoạt động ở trường không có gì nổi bật.
3/ Trong các mối quan hệ
Mình ít bạn, vô cùng ít. Trước đây là vì giọng nói. Còn bây giờ là vì bận rộn với chồng con và cơm, áo, gạo, tiền.
Năm cấp 3, mình cũng có một vài người bạn thân. Trước đây khi giao tiếp với họ, mình đã phải đổi giọng. Nghĩa là mình sẽ nói giọng của họ nhưng dĩ nhiên không thể nào giống được. Sau đó, mình vào nam học tập. Thời gian đầu mình còn giữ liên lạc với họ thông qua nhắn tin. Nhưng càng về sau và cho đến bây giờ, mình đã không còn liên lạc với họ nữa. Lý do không gì khác ngoài giọng nói của mình.
(Hình minh họa)
Vào nam, mình đã thoải mái nói giọng thật của mình mà không còn lo sợ ai nữa (à, vẫn sợ cô bạn học chung lớp 12 hiện đang học chung lớp đại học với mình). Lâu dần không nói giọng xứ Nghệ, mình quên và khi nói cảm thấy ngại miệng. Một lần gọi điện nói chuyện với cô bạn thân ở quê, cô ấy nói mình đi nam cái là đổi giọng liền. Mình cảm thấy oan ức, cố gắng thanh minh rằng đây mới là giọng thật của mình nhưng cô ấy không tin. Và lần sau, à không có lần sau nữa, kể từ đó mình luôn tìm cách tránh né mỗi khi thấy điện thoại báo cô ấy gọi điện đến.
Cả thầy cô của mình nữa. Mình yêu quý họ và họ cũng yêu quý mình. Hồi còn đi học, mình ít nói và mỗi lần nói thì sẽ đổi giọng giống với giọng nói của mọi người. Mình không biết họ có biết giọng nói của mình khác biệt hay không. Nhưng khi mình đi học về, mình ra thăm thầy cô và nói giọng thật, thầy cô đã nhại lại giọng nói của mình. Chỉ bấy nhiêu thôi, mình đã tự đặt ra khoảng cách với thầy cô. Cho đến bây giờ, mình và thầy cô dường như đã trở thành những người không quen biết.
(Hình minh họa)
Hiện tại, mình đang sống ở Tp. HCM và tự tin nói giọng thật của mình. Thế nhưng, mình vẫn không thích gặp những người cùng quê hoặc bất cứ ai quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Bởi vì, nếu mình nói giọng của mình, họ sẽ nói mình đổi giọng (trong khi đây mới là giọng thật của mình). Còn nói giọng của họ thì mình không nói được nữa, với lại không phải giọng mình nên nói rất ngại miệng.
Có lẽ mọi người sẽ cảm thấy mình làm quá vấn đề lên. Chỉ là giọng nói thôi, có cần phải nghiêm trọng hóa như vậy không? Nhưng mình chính là như vậy. Nếu mình nói giọng đặc sệt của Nghệ Tĩnh thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Nhưng mình sống ở Nghệ Tĩnh, tại sao giọng nói của mình lại khác biệt với mọi người như vậy?
Bây giờ, giọng nói không còn ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của mình nữa. Nhưng những hậu quả nó để lại thì khiến mình suy nghĩ mỗi ngày. Bạn bè, thầy cô, các mối quan hệ khác… tất cả đều không còn cũng chỉ vì giọng nói của mình mà ra.
>>> Xem thêm: