Cuối năm 2019, ngành bất động sản xảy ra vụ việc địa ốc Alibaba lừa đảo bán dự án đất nền ảo gây chấn động. Và, đã có rất nhiều khách hàng nhẹ dạ cả tin rơi vào cái bẫy này. Hãy cùng tìm hiểu xem cách thức mà Alibaba đã áp dụng là như thế nào để có thể rút cho mình bài học đắt giá khi có ý định mua nhà đất nhé!
Hình thức lừa đảo mà địa ốc Alibaba đã áp dụng
Sau khi vụ việc xảy ra, rất nhiều khách hàng quan tâm đến BĐS đã tự hỏi rằng liệu hình thức mà công ty này áp dụng là gì, vì sao lại có thể lợi dụng lòng tin được nhiều người đến như vậy. Rất đơn giản, Alibaba đã thực hiện theo các bước dưới đây.
1. Tạo dựng niềm tin cho khách hàng
Điều quan trọng để khách hàng có thể tin tưởng vào một dự án đó chính là uy tín của chủ đầu tư. Vì vậy, địa ốc Alibaba đã đăng ký số vốn điều lệ lên tới 5.600 tỷ đồng để khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm đầu tư vào công ty. Tuy nhiên trên thực tế, đây lại là vốn ảo, chỉ được ghi trên giấy phép đăng ký kinh doanh mà không phải số vốn thuộc chủ sở hữu doanh nghiệp hay các cổ đông góp vào. Vì vậy, con số này không thể đảm bảo được rằng Alibaba sẽ trả được nợ cho khách hàng như đã thỏa thuận.
2. Cam kết lợi nhuận khủng
Tiếp theo đó, Alibaba cam kết đem lại lợi nhuận khủng cho khách hàng. Đội ngũ nhân viên sale của Alibaba cũng liên tục dụ khách hàng bằng khả năng sinh lời lên đến 10, thậm chí 100 lần trong tương lai. Chưa hết, sự cam kết chắc nịch rằng đất nền có sổ hồng riêng và thổ cư 100% chính là yếu tố giúp khách hàng nhanh “xuống tiền” và rơi vào bẫy lừa đảo.
3. Lừa đảo kiểu Ponzi
Hình thức lừa đảo mà địa ốc Alibaba áp dụng đó là chia bán lô đất “ma” trong dự án ảo thành nhiều đợt. Sau đó dụ dỗ chia lãi, lợi nhuận cho những khách hàng giới thiệu được bạn bè, người thân cùng mua đất. Cứ như vậy, lượng khách hàng mua đất ngày một nhiều và cứ như vậy, lợi nhuận cứ đổ về Alibaba mặc dù không có dự án hay lô đất nào là thật.
Chỉ với những bước lừa đảo tinh vi như trên, địa ốc Alibaba đã khiến biết bao khách hàng tiền mất tật mang và cuối cùng đầu tàu của công ty này cũng đã “sa lưới”. Nhưng, những thiệt hại về tài sản với hàng trăm ngàn khách hàng nhẹ dạ cả tin vẫn chưa thể nào thu hồi lại được.
Bài học “xương máu”
Với vụ việc địa ốc Alibaba, chắc hẳn nhiều khách hàng sẽ rút ra được cho mình bài học “xương máu” để có thể tránh mua phải những dự án ẩn chứa nhiều hiểm họa này. Đừng quên đọc bài viết 5 điều cần biết để tránh mua phải đất nền dự án "ma" mà chúng tôi đã chia sẻ trước đó để biết cách nhận biết cũng như phòng tránh những dự án lừa đảo kiểu Alibaba.
Hy vọng rằng bài viết lật tẩy chiêu trò lừa đảo tinh vi của địa ốc Alibaba trên đây sẽ giúp bạn cảnh giác hơn với những chủ đầu tư “dởm” cùng những dự án ảo không có thật. Đầu tư vào bất động sản cần đến một số vốn không hề nhỏ, nó khác với việc bạn mua mớ rau ngoài chợ hay bộ quần áo trong shop. Chính vì vậy, hãy luôn có một cái đầu thật tỉnh táo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng nhé!
Xem thêm: