Hải Trần

Blog cá nhân chia sẻ về cuộc sống gia đình, kinh nghiệm Copywriter & cảm xúc thường ngày.

Thai nghén là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách kiểm soát

Thai nghén là một hiện tượng phổ biến diễn ra ở phụ nữ khi mang thai. Tùy vào cơ địa mỗi người mà quyết định thai nghén diễn ra vào thời gian nào, mức độ ra sao.

Thai nghén là gì?

Thai nghén hay ốm nghén là tình trạng bà bầu cảm thấy khó chịu trong cơ thể, có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Thai nghén chính là một trong những dấu hiệu cho biết phụ nữ đã mang thai. Đây cũng là dấu hiệu mang thai khi kinh nguyệt không đều dễ nhận thấy nhất.

Ngoài ra, thông qua dấu hiệu thai nghén, người ta có thể phán đoán được giới tính của thai nhi. Ví dụ như nghén ngọt thường sẽ sinh con trai (lưu ý đây chỉ là kinh nghiệm dân gian, để biết chính xác giới tính thai nhi thì mẹ bầu phải đi siêu âm ở các cơ sở uy tín chứ không thể dựa vào dấu hiệu nghén hoặc suy đoán từ việc mang thai con trai mệt hơn con gái).

Thai nghén 1

Nguyên nhân của thai nghén

Hiện nay, nguyên nhân của tình trạng thai nghén vẫn chưa được xác định cụ thể. Một số giả thuyết được đặt ra, thai nghén là do sự thay đổi nội tiết tố ở tuyến sinh dục của người mẹ. Cụ thể, hormone progesterone được sản xuất với một lượng lớn, chúng làm giãn các cơ của hệ tiêu hóa khiến cho thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản, sau đó gây ra triệu chứng nôn.

Không những vậy, hormone này còn khiến cho khả năng tiêu hóa của mẹ bầu chậm đi, gây ra chứng khó tiêu và khó chịu. Điều đáng nói là lượng hormone này tăng nhanh và tăng liên tục trong suốt thai kỳ.

Ngoài hormone nói trên thì một số đối tượng dưới đây được cho là dễ bị thai nghén hơn những người khác:

  • Người mang thai lần đầu;
  • Người có tiền sử nghén nặng ở những lần mang thai trước đó;
  • Người quá béo, thừa cân;
  • Người mang song thai hoặc đa thai;
  • Người bị mắc bệnh nguyên bào nuôi do sự gia tăng của tế bào bên trong tử cung.

Dấu hiệu của thai nghén

Dấu hiệu rõ ràng nhất của thai nghén đó chính là buồn nôn và nôn. Ngoài ra, hoa mắt chóng mặt, sụt cân, mệt mỏi, thiếu năng lượng, không thể tập trung… cũng chính là những dấu hiệu của thai nghén.

Có thai mấy tuần thì nghén?

Bầu mấy tháng thì nghén là thắc mắc thường thấy của chị em phụ nữ khi mang thai nhưng không có dấu hiệu gì.

Theo thống kê, có 70% chị em phụ nữ có triệu chứng nghén từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 16. 10% trong số đó vẫn tiếp tục triệu chứng nghén cho đến tuần thứ 20 hoặc lâu hơn. Có những người trong suốt thai kỳ không bị ốm nghén, nhưng có người lại ốm nghén từ lúc mang thai cho đến lúc sinh nở.

Thai nghén 2

Thai nghén có nguy hiểm không?

Tùy vào mức độ của thai nghén để biết thai nghén có nguy hiểm không. Thai nghén được chia thành 2 loại dựa vào mức độ đó:

  • Thai nghén thông thường:

Có đến 80% phụ nữ mang thai thuộc dạng này. Triệu chứng thường thấy là mệt mỏi và nôn ói, tuy nhiên nôn ói chỉ xảy ra ở mức độ vừa phải, thức ăn vẫn còn giữ được trong dạ dày. Sau khoảng 12 - 20 tuần thì các triệu chứng ốm nghén bắt đầu giảm dần và biến mất. Đây là hiện tượng bình thường, không ảnh hưởng đến thai nhi và chỉ ảnh hưởng đến người mẹ ở mức độ vừa phải.

  • Thai nghén nặng:

Có khoảng 1 - 1,5% bà bầu gặp phải dạng này. Thai nghén nặng khiến bà bầu thường xuyên bị nôn ói, thức ăn trong dạ dày bị tống hết ra ngoài. Dường như bà bầu không ăn được gì hoặc có ăn cũng sẽ nôn ra ngoài hết. Bà bầu sẽ cảm thấy mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt và cân nặng giảm sút mạnh (từ 2 - 10kg). Đây là hiện tượng không thể xem thường và mẹ bầu sẽ phải đi khám để tìm được nguyên nhân và cách khắc phục. Ốm nghén nặng không chỉ ảnh hưởng đến mẹ và còn tác động đến thai nhi bên trong, vì vậy cần phải sớm có các biện pháp khắc phục.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều mẹ bầu cũng tỏ ra thắc mắc “nghén nặng sinh con trai hay con gái?”. Theo như một nghiên cứu ở Thụy Sĩ thì 55% phụ nữ mang thai có triệu chứng ốm nghén vào buổi sáng sẽ sinh con gái. Còn ốm nghén nhẹ hoặc không ốm nghén thì khả năng cao thai nhi là bé trai. Tuy nhiên, phỏng đoán này chỉ có thể dựa vào trường hợp mẹ bầu ốm nghén nặng. Để có kết quả giới tính thai nhi, siêu âm chính là cách để biết chính xác nhất.

Thai nghén 3

Cách kiểm soát thai nghén

Để hạn chế các triệu chứng của ốm nghén, mẹ bầu nên áp dụng các cách sau đây:

  • Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi và thư giãn, tránh stress
  • Uống nhiều nước, uống thành từng ngụm nhỏ và thường xuyên;
  • Hạn chế đồ uống lạnh, đồ chua hoặc đồ quá ngọt;
  • Chia nhỏ các bữa ăn, không nên để dạ dày trống rỗng;
  • Ăn các loại thực phẩm dễ ăn như bánh mì, bánh quy…
  • Sử dụng các sản phẩm từ gừng như nước gừng tươi, bánh gừng, trà gừng…
  • Sử dụng các phương pháp bấm huyệt, châm cứu, xoa bóp.

Nếu như áp dụng các cách nói trên nhưng tình trạng ốm nghén không thuyên giảm thì các bác sĩ sẽ cho mẹ bầu uống các loại thuốc chống ốm nghén:

  • Thuốc kháng histamin;
  • Thuốc prochlorperazine;
  • Thuốc metoclopramide.

Lưu ý: Chỉ uống các loại thuốc này khi đã thăm khám và được bác sĩ kê đơn. Uống đúng liều lượng, nên ngưng sử dụng khi các triệu chứng ốm nghén đã giảm hẳn.

Như vậy, nghén khi mang thai là những biểu hiện bình thường của thai kỳ, mẹ bầu không nên quá lo lắng mà khiến tình trạng nghén nặng hơn. Trừ khi thai nghén diễn ra ở mức độ thường xuyên, liên tục khiến mẹ bầu sút cân nghiêm trọng thì cách làm tốt nhất lúc này chính là đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Xem thêm: