Hải Trần

Blog cá nhân chia sẻ về cuộc sống gia đình, kinh nghiệm Copywriter & cảm xúc thường ngày.

Bà bầu bị đau bụng có sao không? Những điều cần biết

Bà bầu bị đau bụng, tùy thuộc vào vị trí, mức độ đau và thời điểm gây đau để biết đó là dấu hiệu bình thường hay là triệu chứng gây nguy hiểm cho thai nhi.

Không phải mọi cơn đau của bà bầu đều giống nhau (người đau nặng, người đau nhẹ, người đau quằn quại…). Càng không phải mẹ bầu nào cũng đau ở một vị trí duy nhất (có người đau bụng trái, có người đau bụng phải, có người đau bụng trên, có người đau bụng dưới…). Đặc biệt, thời điểm đau bụng của mỗi bà bầu cũng hoàn toàn khác nhau (người đau khi mới mang thai, người đau vào giữa thai kỳ hay người đau vào tháng cuối thai kỳ…). Do đó, để tìm hiểu nguyên nhân và đánh giá việc bà bầu đau bụng có sao không thì nhất thiết phải tìm hiểu chi tiết về thời điểm, mức độ và vị trí đau của từng người.

1. Đau bụng khi mới mang thai

Đau bụng khi mới mang thai hoặc đau bụng khi mang thai tháng thứ 1 là triệu chứng thường thấy ở các bà bầu. Có tới 80% bà bầu cảm thấy đau bụng râm ran ở tuần đầu tiên. Mức độ đau lúc này gần giống với đau bụng kinh. Nguyên nhân được cho là do tử cung co bóp.

Bà bầu bị đau bụng 1

Theo các chuyên gia sức khỏe cho biết, những cơn đau bụng dạng này xuất hiện trong 3 tháng đầu hoàn toàn là dấu hiệu bình thường. Qua tháng thứ 3 thì những cơn đau này sẽ ít dần và biến mất, vì vậy mẹ không cần quá lo lắng.

Tuy nhiên, nếu như đau bụng đi kèm với các triệu chứng khác thì mẹ không thể nào chủ quan. Ví dụ như:

  • Đau dữ dội kèm theo chảy máu âm đạo;
  • Đau theo từng cơn, ngày càng tăng mức độ đau và dường như không có dấu hiệu giảm;
  • Vừa đau vừa muốn đi ngoài, kèm theo triệu chứng buồn nôn;
  • Cơ thể mệt mỏi, choáng váng và ngất xỉu.

Nếu đau bụng ở những tháng đầu đi kèm với các triệu chứng nói trên thì rất có thể đó là dấu hiệu dọa sẩy thai, sẩy thai hoặc có thai ngoài tử cung (xem: Thai ngoài tử cung có sao không? Giải đáp các vấn đề liên quan). Tốt nhất mẹ nên đi khám để biết nguyên nhân tại sao mình đau bụng, từ đó có cách chữa trị kịp thời.

2. Có bầu đau bụng dưới

Đau bụng dưới thường biểu hiện bằng các triệu chứng như: Cơn đau âm ỉ nhẹ kèm theo cảm giác tưng tức vùng bụng dưới. Đặc biệt là giai đoạn đầu, đau bụng dưới thường xuất hiện khi mẹ bầu ốm nghén và nôn mửa.

Bà bầu bị đau bụng 2

Nguyên nhân của cơn đau này được cho là: do táo bón, hoặc do quá trình làm tổ của thai nhi, hoặc mẹ bị giãn dây chằng… Nếu là nguyên nhân này thì không đáng lo ngại, mẹ chỉ cần ăn uống, nghỉ ngơi điều độ thì cơn đau sẽ sớm biến mất.

Nhưng nếu cơn đau kèm theo các triệu chứng được liệt kê ở phần 1 thì đó là dấu hiệu cảnh báo mẹ có thể sảy thai, thai ngoài tử cung hoặc báo hiệu sinh sớm…

Ngoài ra, đau bụng dưới khi mang thai còn là dấu hiệu của một số bệnh lý khác như: rối loạn tiêu hóa mãn tính, sỏi thận, nhiễm trùng đường nước tiểu, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, sa tạng… Mẹ cần đi khám để biết chính xác nguyên nhân của những lần đau bụng dưới là gì.

Đau bụng dưới thường biểu hiện ở 2 vị trí là bên phải và bên trái. Vị trí của cơn đau sẽ cho biết nguyên nhân gây nên tình trạng đau bụng ở bà bầu là gì.

Đối với bà bầu đau bụng dưới bên phải:

Nguyên nhân có thể là do mẹ bị đầy bụng, táo bón, đau dây chằng, co thắt giả hoặc viêm ruột thừa… Những cơn đau này không mấy nguy hiểm. Nhưng nếu cơn đau kéo dài thành từng đợt, đi kèm với triệu chứng đau là hiện tượng buồn nôn, đi ngoài, ra máu, mệt mỏi, kiệt sức… thì mẹ không nên chủ quan, bởi đó có thể là triệu chứng của thai ngoài tử cung, nhau bong non, nhiễm trùng đường tiểu, tiền sản giật, dọa sẩy thai hoặc sẩy thai.

Đối với bà bầu đau bụng dưới bên trái:

Sẽ là những cơn đau bình thường nếu như mẹ bầu không xuất hiện thêm một số triệu chứng bất thường khác như đau dữ dội, chảy máu âm đạo, mệt mỏi, nước tiểu đổi màu… Cũng giống như đau bụng dưới bên phải khi mang thai, thì những cơn đau bụng dưới bên trái rất có thể là triệu chứng cảnh báo sảy thai, nhiễm trùng đường tiểu, tiền sản giật hoặc thai ngoài tử cung…

3. Bà bầu đau bụng trên

Đau bụng trên thường được xác định là cơn đau từ phía rốn trở lên. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, dai dẳng… tùy vào từng người. Và chính mức độ đau ấy cũng phần nào nói lên nguyên nhân của cơn đau là gì, có nguy hiểm hay không.

Bà bầu bị đau bụng 3

Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu cảm thấy đau bụng ở phía trên, có thể kể đến các nguyên nhân như là:

  • Áp lực tử cung do thai nhi làm tổ và phát triển;
  • Da và cơ bắp quanh bụng căng lên để thai nhi có đủ không gian “sống”;
  • Tăng áp lực ổ bụng dẫn đến thoát vị rốn;
  • Hoặc do bệnh lý về dạ dày, đại tràng, viêm tụy…

Nếu như cơn đau do 3 nguyên nhân nói trên gây ra thì mẹ bầu không đáng lo ngại. Nhưng nếu cơn đau do nguyên nhân thứ 4 gây nên thì mẹ cần phải đi khám và chữa trị kịp thời. Nếu là do nguyên nhân thứ 4 thì ngoài cơn đau phía trên bụng, mẹ bầu còn cảm thấy nóng rát, khó chịu, buồn nôn, khó thở, chảy máu âm đảo, đau dữ dội, đi ngoài nhiều lần, sốt cao, người mệt mỏi… Thăm khám bác sĩ lúc này được xem là cách tốt nhất để biết được nguyên nhân của cơn đau, từ đó tìm ra phương pháp chữa trị phù hợp, nhằm đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ lẫn bé.

Tóm lại, nếu bà bầu bị đau bụng thì tùy vào mức độ đau để tìm ra cách giải quyết. Nếu đau bình thường, hãy nói cho bác sĩ biết trong những lần khám thai định kỳ. Nếu đau dữ dội đi kèm các triệu chứng nói trên thì nên đi khám ngay lập tức để biết nguyên nhân và cách điều trị. Mẹ bầu không nên chủ quan với bất cứ triệu chứng nào trong suốt thời gian mang thai.

Xem thêm: