Hải Trần

Blog cá nhân chia sẻ về cuộc sống gia đình, kinh nghiệm Copywriter & cảm xúc thường ngày.

Lần đầu mang thai: nên làm gì & không nên làm gì?

Lần đầu mang thai, mẹ cần vượt qua các bỡ ngỡ ban đầu để có tinh thần tốt để chăm sóc sức khỏe của bản thân và bé yêu của mình.

Để không quá bối rối và ảnh hưởng đến tâm lý khi mang thai lần đầu, mời các mẹ xem các kim chỉ nam bên dưới đây để thật vui vẻ trong suốt quá trình mang thai lần đầu nhé.

Lần đầu mang thai: nên làm gì & không nên làm gì? 1

Khám thai định kỳ là bắt buộc

Khi mang thai, việc đi khám thai định kỳ là điều bắt buộc mà các mẹ và gia đình cần ghi nhớ để đến khám đúng hẹn. Đi khám thai để ba mẹ biết được tình hình phát triển của thai nhi mỗi tuần và phát hiện sớm những bất thường để có thể kịp thời xử lý.

Thường thì bác sĩ sẽ lên lịch khám cho các mẹ bầu 1 tháng/ 1 lần. Nếu đến ngày khám mà mẹ không thể đi đến thì có thể hẹn ngày khám khác nếu bác sĩ yêu cầu. Tuy nhiên, có những mốc ngày khám quan trọng mà mẹ bầu không được bỏ qua như:

  • Khám thai lần đầu tiên: Trong buổi khám lần đầu tiên bác sĩ sẽ xác định thai nhi đang ở tháng thứ mấy và kiểm tra sức khoẻ người mẹ. Mẹ bầu sẽ được được làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra vùng chậu và một số bệnh lây qua đường tình dục. Đây là lần khám vô cùng quan trọng nên các mẹ bầu cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
  • Thai nhi tuần 11 - 13: Đến tuần này ngoài kiểm tra sự phát triển của thai nhi, bác sĩ còn phải đo độ mờ ra gáy - một chỉ số quan trọng để phát hiện sớm bệnh down của bé.
  • Thai nhi tuần 21 - 24: Đến thời gian này có thể kiểm tra được các bệnh khuyết tật bẩm sinh của thai nhi. Đó là những bất thường của hộp sọ, cột sống, tim, thận, phổi hay chân tay…
  • Thai nhi tuần 30 - 32: Giai đoạn này bác sĩ có thể phát hiện những dị tật muộn của thai nhi như cấu trúc não, động mạch, tim… đồng thời kiểm tra dễ dàng tình trạng dây rốn, nước ối, vị trí nhau thai để báo với người mẹ.

Những mốc khám quan trọng bên trên có thể phát hiện những bất thường từ thai nhi và cả tình trạng của người mẹ. Vì sức khỏe của hai mẹ con, hãy đến khám định kỳ nhé!

Đảm bảo tiêm phòng đủ khi mang thai

Không chỉ em bé mới cần tiêm chủng, mẹ bầu cũng cần như vậy. Nhiều phụ nữ lần đầu mang thai có thể không biết tầm quan trọng của tiêm chủng khi mang thai. Vào lúc này, cơ thể mẹ bầu có hệ thống miễn dịch kém hơn bình thường, nguy cơ nhiễm bệnh cũng cao hơn người thường. Vì vậy mẹ bầu luôn được chỉ định tiêm chủng để khỏe mạnh hơn.

  • Trước khi quyết định mang thai: phụ nữ nên đi tiêm Rubella, sởi, quai bị, cúm, thủy đậu, viêm gan B.
  • Khi đang mang thai thì cần tiêm vacxin cúm và uốn ván để tốt cho mẹ và con.

Chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng

Khi mang thai, thường thì người mẹ cần ăn uống nhiều gấp đôi để bổ sung dinh dưỡng của cả mẹ và bé. Hãy đảm bảo rằng mẹ được cung cấp đầy đủ các món ăn nhiều dưỡng chất từ các nhóm thực phẩm sau:

  • Nhóm tinh bột: gạo, bánh mì, ngũ cốc
  • Nhóm chất đạm: trứng, thịt, cá, các loại đậu
  • Nhóm chất béo: Bơ, dầu thực vật, mỡ động vật
  • Nhóm rau xanh, trái cây, hoa củ quả tươi
  • Nhóm chất sắt, vitamin A, B, C, D, canxi, axit folic... Trong đó axit folic cần được cung cấp đủ liều cho thai nhi (600 microgam mỗi ngày) để ngăn ngừa các khuyết tật bẩm sinh từ cột sống và não
  • Nước uống 2-3 lít mỗi ngày

Lần đầu mang thai: nên làm gì & không nên làm gì? 2

Đồng thời, trong chế độ ăn cho mẹ bầu cần tránh các loại thực phẩm sau:

  • Tránh xa rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, không nên uống quá nhiều nước ngọt có ga
  • Không nên ăn thực phẩm quá ngọt hay quá nóng như tiêu, mù tạt, ớt
  • Tránh ăn những loại thịt cá có chứa nhiều thuỷ ngân như cá ngừ, cá thu
  • Không ăn nhiều những thực phẩm tái sống như gỏi và những sản phẩm chưa tiệt trùng sạch như thịt muối

Vận động phù hợp

Ngoài việc tiêm vacxin và ăn uống đủ chất thì mẹ bầu cũng nên vận động nhẹ nhàng để tăng sức đề kháng, tăng cường sức khỏe để chuẩn bị cho lúc “vượt cạn” sắp tới. Lưu ý là mẹ chỉ nên tập các động tác nhẹ nhàng vừa phải, tuyệt đối không khiêng vác đồ nặng hoặc tập các bài tập quá sức. Bạn cũng có thể đăng ký các dịch vụ chăm sóc cho mẹ bầu để được hướng dẫn tập các bài tập phù hợp khi mang thai.

Lần đầu mang thai: nên làm gì & không nên làm gì? 3

Ốm nghén và cách đối phó

Với những người lần đầu mang thai chắc chắn sẽ rất sợ tình trạng ốm nghén. Tuy nhiên, việc nghén khi mang thai không phải mẹ bầu nào cũng gặp phải và không phải cả 9 tháng đều như vậy. Vào tháng thứ 3 của thai kỳ sẽ có các dấu hiệu ốm nghén và sẽ được giảm ở tháng thứ 4.

Mẹ bầu cũng không cần quá lo lắng không đủ chất khi ăn uống không được ngon miệng, ăn ít. Ở giai đoạn đầu không bắt buộc bạn phải tăng cân mà cần ở giai đoạn sau. Hãy ăn khi nào bạn thích ăn và uống nhiều nước để cơ thể mát mẻ. Nếu nghén quá nặng thì bạn có thể áp dụng các mẹo này xem sao:

  • Uống nhiều nước hoa quả khi thấy mệt
  • Chia bữa ăn làm nhiều bữa trong ngày nếu ăn không nhiều. Ăn các thực phẩm xay nhỏ thì dễ ăn hơn, tránh ăn quá cay hay quá béo sẽ gây ngán khẩu vị.
  • Uống các thuốc tổng hợp nhiều dưỡng chất như vitamin B1, B2, B6, Mg… đương nhiên là chúng cũng phải nằm trong danh sách được phép của bác sĩ nhé.

Những hoạt động mẹ bầu nên hạn chế

  • Không massage bụng quá nhiều khi mang thai vì có thể kích thích sinh con.
  • Không siêu âm quá nhiều lần (Xem: Siêu âm nhiều có tốt cho thai nhi?)
  • Không được tự ý sử dụng thuốc mà không có sự tư vấn của bác sĩ

Tinh thần vui vẻ, thoải mái

Cuối cùng là mẹ bầu lần đầu mang thai cần giữ tinh thần của mình được vui vẻ, thoải mái để chuẩn bị đón thiên thần nhỏ ra đời. Sẽ có nhiều người bị áp lực khi mang thai đầu nhưng chỉ cần lưu ý chăm sóc bản thân thì sẽ được "mẹ tròn con vuông".

Trên đây là kim chỉ nam cho những mẹ lần đầu mang thai. Hãy chăm sóc bản thân thật tốt theo hướng dẫn của bác sĩ và giữ tinh thần vui tươi để chuẩn bị làm thiên chức cao cả - làm mẹ. Chúc bạn vui vẻ và sớm có bé yêu để ẵm bồng nhé!

Xem thêm: