Hải Trần

Blog cá nhân chia sẻ về cuộc sống gia đình, kinh nghiệm Copywriter & cảm xúc thường ngày.

Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? (Giải đáp A-Z)

Tiểu đường thai kỳ là một căn bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai. Vậy tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu tường tận về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.

Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường và thai nghén Quốc tế (IADPSG) năm 2017 thì: Trong số 7 đứa trẻ được sinh ra thì sẽ có 1 đứa trẻ có mẹ bị bệnh tiểu đường, tương đương với tỷ lệ thai phụ mắc căn bệnh này là 14,2%. Tại Việt Nam, con số này là 20,3%.

Tiểu đường thai kỳ là bệnh gì?

Khái niệm

Tiểu đường thai kỳ hay còn gọi là bệnh đái tháo đường thai kỳ, là sự rối loạn lượng đường trong máu xuất hiện ở giai đoạn mang thai của người phụ nữ.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì tiểu đường thay kỳ “là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai”.

tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm 1

Nguyên nhân

Insulin là một loại hormone có vai trò di chuyển đường glucose từ máu đến các tế bào trong cơ thể, đồng thời tạo ra năng lượng. Khi mang thai, những tác động của cơ thể tác động đến insulin và từ đó gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ. Cụ thể:

  • Nhau thai sẽ tạo ra các hormone khiến glucose tích tụ trong máu, nếu insulin không được sản xuất đủ thì sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao.
  • Nhu cầu về năng lượng thời kỳ mang thai lớn hơn so với bình thường kéo theo nhu cầu về lượng đường cũng tăng cao. Nếu insulin không sản xuất tương đương với lượng đường tăng trong cơ thể thì sẽ gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ.
  • Khi thai nhi phát triển, nhau thai sẽ tiết ra một loại nội tiết tố có thể gây tác động tiêu cực đến insulin, từ đó gây rối loạn nội tiết tố và trở thành nguyên nhân của bệnh tiểu đường thai kỳ.

Các đối tượng có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao

Ngoài các nguyên nhân nói trên thì những đối tượng sau đây được cho là có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao hơn người bình thường. Đó là:

  • Người bị thừa cân, béo phì;
  • Người có tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường;
  • Người có tiền sử sinh con trên 4kg;
  • Người có tiền sử bất thường về dung nạp glucose (tiền sử đái tháo đường thai kỳ trước, glucose niệu dương tính);
  • Người mang thai ở độ tuổi trên 35;
  • Người có tiền sử sản khoa bất thường (thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sinh non hoặc thai dị tật);
  • Người châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người các nước khác;
  • Người bị hội chứng buồng trứng đa năng.

Dấu hiệu

Tiểu đường thai kỳ là bệnh không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng, hoặc dễ bị nhầm lẫn với các dấu hiệu thai kỳ khác. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể căn cứ vào các dấu hiệu sau đây để nghi ngờ mình bị mắc bệnh tiểu đường:

  • Thường xuyên khát nước, thường phải thức dậy đêm để uống nước;
  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày, nước tiểu nhiều hơn bình thường;
  • Nếu bị trầy xước da thì vết thương lâu lành;
  • Vùng kín dễ bị nhiễm nấm, dù dùng thuốc trị nấm nhưng không khỏi;
  • Bị sụt cân, mệt mỏi và thiếu sức sống.

Nếu có các dấu hiệu nói trên thì mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện để thăm khám và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để biết mình có bị bệnh này không.

Chỉ số tiểu đường thai kỳ nguy hiểm

Thông qua việc xét nghiệm tiểu đường các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán về việc mẹ bầu có bị tiểu đường thai kỳ hay không. Kết quả sẽ dựa vào glucose trong máu như sau:

Nếu có 2 kết quả lớn hơn hoặc bằng 92mg/dl lúc đói hoặc 180 mg/dl sau ăn 1 giờ thì kết luận thai phụ bị tiểu đường thai kỳ.

Không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không?

Xét nghiệm thai kỳ là việc làm quan trọng để biết mẹ có bị tiểu đường hay không. Bởi vì như đã nói ở trên, các dấu hiệu của bệnh tiểu đường rất khó nhận biết, nên xét nghiệm là cách tốt nhất để phát hiện bệnh. Từ đó để biết mức độ và cách chữa trị phù hợp nhất.

Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?

tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm 2

Ảnh hưởng đối với mẹ bầu

  • Tăng huyết áp: Cao huyết áp có thể gây ra tiền sản giật, sản giật, tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận, thai chậm phát triển, sinh non và tăng tỷ lệ chết chu sinh.
  • Sinh non: Tiểu đường thai kỳ gây nhiễm trùng tiết niệu, đa ối, tiền sản giật và tăng huyết áp,... là những biến chứng gây sinh non.
  • Đa ối: Bắt đầu từ tuần thứ 26 - 32, dịch ối nhiều sẽ làm tăng nguy cơ sinh non ở mẹ bầu.
  • Nhiễm khuẩn niệu: Nhiễm khuẩn niệu khiến glucose huyết tương mất cân bằng, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm đài bể thận cấp gây ra các biến chứng như nhiễm ceton, sinh non, nhiễm trùng ối.
  • Về lâu dài: Có nguy cơ diễn tiến thành đái tháo đường tuýp 2, hoặc tăng nguy cơ tái bệnh trong những lần mang thai tiếp theo. Ngoài ra, tăng nguy cơ béo phì sau sinh cho các mẹ.

Tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không?

Điều này tùy vào mức độ bệnh của người mẹ và kích thước thai nhi. Nếu mẹ kiểm soát được lượng đường trong cơ thể, cộng với kích thước thai nhi phù hợp thì có thể sinh thường bình thường. Nhưng ngược lại, nếu mẹ không thể kiểm soát bệnh, cộng với thai nhi lớn thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ để đảm bảo an toàn cho cả hai.

Ảnh hưởng đối với thai nhi

  • Thai to quá mức (trên 4kg): Gây khó khăn cho quá trình sinh nở, tăng nguy cơ bị chấn thương và gặp phải nhiều biến chứng.
  • Hạ glucose huyết tương: 15 - 25% trẻ sinh ra từ mẹ bị tiểu đường thai kỳ sẽ hạ glucose huyết tương và mắc các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh.
  • Mắc bệnh hô hấp: 10% trẻ bị hô hấp do sinh ra từ mẹ bị tiểu đường thay kỳ dẫn đến tử vong (trước đây con số này là 30%).
  • Vàng da: 25% thai phụ bị tiểu đường thai kỳ khi sinh ra đứa trẻ sẽ bị vàng da.
  • Ảnh hưởng khác: Tăng hồng cầu và tăng nguy cơ tử vong sau sinh.
  • Về lâu dài: Tăng nguy cơ bị béo phì, trẻ lớn lên dễ bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, rối loạn tâm thần - vận động.

Chữa trị tiểu đường thai kỳ như thế nào?

Việc điều trị tiểu đường thai kỳ như thế nào sẽ do bác sĩ chỉ định. Nhìn chung sẽ áp dụng 3 phương pháp sau đây:

Thay đổi chế độ ăn uống

Có đến gần 85% người bị tiểu đường thai kỳ đã hết bệnh nhờ vào chế độ ăn uống hợp lý. Thay vì áp dụng chế độ ăn cho bà bầu thông thường thì thai phụ bị tiểu đường cần lưu ý:

  • Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ;
  • Ăn nhiều thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình (xà lách, rau cải, cà rốt, cà chua, nấm,...);
  • Tăng cường protein và chất béo (ít chất béo bão hòa);
  • Tránh đồ ngọt, nhiều đường;
  • Nên ăn ngũ cốc nguyên hạt thay vì sử dụng loại tinh chế;

tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm 3

Tập luyện phù hợp

Glucose trong máu có xu hướng tăng cao sau ăn, vì vậy thai phụ bị tiểu đường cần đi bộ nhẹ nhàng khoảng 15 - 20 phút sau ăn (trừ trường hợp bác sĩ chống chỉ định). Ngoài ra có thể áp dụng một số bài tập thể dục phù hợp với thể trạng mà bác sĩ khuyến khích.

Sử dụng thuốc

Nếu áp dụng 2 cách trên nhưng tiểu đường thai kỳ vẫn không thuyên giảm thì lúc này người bệnh sẽ được bác sĩ khuyên dùng thuốc. Tại Việt Nam, insulin là thuốc duy nhất được Bộ Y tế cho phép sử dụng cho trường hợp thai phụ bị tiểu đường.

Lưu ý: Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Như vậy, bài viết đã giúp bạn biết được tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không. Cũng như đau đầu khi mang thai, đau bụng khi mang thai, khó thở khi mang thai hay bệnh phụ khoa khi mang thai thì tiểu đường thai kỳ cũng là một căn bệnh phổ biến mà có nguy cơ ảnh hưởng tới mẹ và thai nhi. Vì vậy, khi nhận thấy cơ thể mình có những dấu hiệu bất thường, mẹ bầu ngay lập tức đi khám bệnh để được chẩn đoán chính xác và tìm ra hướng điều trị phù hợp nhất.

Xem thêm: