Hải Trần

Blog cá nhân chia sẻ về cuộc sống gia đình, kinh nghiệm Copywriter & cảm xúc thường ngày.

Chế độ ăn cho bà bầu chuẩn theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi

Không chỉ chị em phụ nữ mới cần quan tâm đến chế độ ăn cho bà bầu, các anh chồng cũng nên trang bị những kiến thức về dinh dưỡng để có thể bồi bổ mẹ bầu một cách tốt nhất. Chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ theo các giai đoạn của thai kỳ sẽ giúp cho mẹ có một sức khỏe tốt, thai nhi có sự phát triển toàn diện. Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Những dưỡng chất cần thiết trong chế độ dinh dưỡng của bà bầu

Chế độ ăn cho bà bầu 1

Những dưỡng chất cần thiết trong chế độ dinh dưỡng của bà bầu

Khi mang thai, chị em không thể “thích gì ăn nấy” như thời còn son rỗi. Việc bổ sung các thực phẩm cần phải khoa học và đầy đủ dưỡng chất để có thể nuôi bào thai trong suốt 9 tháng thai kỳ. Dưới đây là những dưỡng chất cần thiết mẹ bầu không nên bỏ qua:

  • Acid folic: Đây là dưỡng chất vô cùng quan trọng trong việc giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Vậy nên, mẹ nên bổ sung acid folic càng sớm càng tốt ngay cả khi chưa mang thai.
  • Omega 3: Đây là loại axit béo có vai trò quyết định đối với sự hình thành hệ thần kinh và phát triển trí não của bé. Em bé của bạn sẽ thông minh ngay từ trong bụng mẹ nếu mẹ bổ sung những thực phẩm giàu omega.
  • Protein: Vai trò của Protein đó là giúp tạo cơ, tạo xương và tạo máu cho bé yêu. Trong chế độ ăn cho bà bầu, không thể thiếu dưỡng chất này.
  • Canxi: Canxi là dưỡng chất mẹ cần phải bổ sung trong suốt quá trình mang thai. Khi mang thai, cơ thể mẹ phải cung cấp thêm canxi cho thai nhi đang lớn lên từng ngày trong bụng nên mẹ bầu rất dễ gặp tình trạng loãng xương, chuột rút. Vậy nên, mẹ phải nạp vào cơ thể 1000mg – 1200mg Canxi/ ngày tùy theo tuổi thai.
  • Vitamin D3 và vitamin K: Bổ sung hai loại vitamin này sẽ giúp cho việc vận chuyển canxi từ thức ăn vào máu và từ máu vào xương tốt hơn. Nếu thiếu chúng, việc mẹ nạp canxi mỗi ngày vào cơ thể mỗi ngày gần như vô tác dụng.
  • Sắt: Tương tự như canxi, sắt cũng là dưỡng chất mẹ bầu nên bổ sung trong suốt những tháng mang thai. Bổ sung sắt sẽ giúp hạn chế nguy cơ thiếu máu ở mẹ, tăng nhu động tuần hoàn máu, tăng chuyển hóa chất dinh dưỡng từ mẹ sang con.

Chế độ ăn cho bà bầu chuẩn khoa học theo từng giai đoạn

Chế độ ăn cho bà bầu 2

Tùy vào từng giai đoạn mang thai mà mẹ bầu cần áp dụng chế độ dinh dưỡng khác nhau

Thời gian mang thai của chị em phụ nữ là 9 tháng 10 ngày và được chia làm 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn lại có một chế độ ăn khác nhau nhằm cung cấp đúng, đủ những dưỡng chất cần thiết cho cả mẹ và bé.

Dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu

Giai đoạn này còn được gọi là tam cá nguyệt thứ 1. Thời gian này đa số chị em sẽ không ăn được nhiều vì bị chứng ốm nghén hành hạ. Tuy nhiên, mẹ cũng cần phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất. Nếu không ăn được, mẹ có thể bổ sung thêm sữa tươi hoặc sữa bầu, ngũ cốc…

Hãy bổ sung Acid folic bằng cách ăn nhiều rau xanh như rau bina, súp lơ… Ngoài ra mẹ cũng nên uống thêm sắt, canxi ngay từ khi biết mình có thai. Bên cạnh đó, những chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cafein… cũng là thứ mẹ nên tuyệt đối tránh xa trong giai đoạn này.

Dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng giữa

Đây là giai đoạn mẹ bầu đã vượt qua được chứng ốm nghén và ăn uống ngon miệng nhất. Ở giai đoạn này, ngoài axit folic, sắt, canxi, mẹ cần bổ sung các thực phẩm có chứa kẽm với liều lượng 20mg/ ngày. Có thể mẹ chưa biết, nếu thiếu kẽm, thai nhi dễ bị nhẹ cân, nghiêm trọng hơn là dị dạng.

Ở giai đoạn này, mẹ cũng nên có chế độ ăn uống khoa học, không nên có suy nghĩ ăn nhiều để vào con. Việc ăn uống không phanh không những khiến mẹ và bé tăng cân quá nhanh mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong bụng.

Dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng cuối

Ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3, dinh dưỡng cho bà bầu cần chú ý đến tăng khẩu phần ăn khoảng 400 calo/ ngày.

Ngoài những dưỡng chất cần thiết như giai đoạn giữa, mẹ cần bổ sung vitamin C cho cơ thể vào các tháng 7, 8, 9 thai kỳ. Việc này nhằm hấp thụ sắt và canxi tốt hơn đồng thời hạn chế được tối đa nguy cơ vỡ ối và sinh non (do thiếu vitamin C).

Vào những tháng cuối thai kỳ, sự thay đổi hormone kèm thai nhi lớn sẽ gây áp lực lên vùng chậu và bàng quang. Vì vậy, mẹ bầu sẽ thường xuyên bị táo bón, khó tiêu. Để khắc phục tình trạng này, hãy chú ý bổ sung nhiều chất xơ cho cơ thể và tránh ăn các thực phẩm khó tiêu mẹ nhé!

Giờ thì mẹ đã nắm được những lưu ý trong chế độ ăn cho bà bầu theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi rồi đúng không. Đừng tham khảo một mình, hãy chỉ cho người bạn đời của mình cùng biết để anh ấy có thể chăm sóc hai mẹ con một cách tốt nhất. Chú trọng đến dinh dưỡng suốt thai kỳ là việc làm bảo vệ sức khỏe bé yêu một cách tốt nhất.

Xem thêm: